Phụ nữ làng Teng gìn giữ nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Hrê

04/01/2022 136

Người dân huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi) vẫn còn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc, trong đó có nghề dệt thổ cẩm của người đồng bào Hrê ở làng Teng, xã Ba Thành.

 

Chị Phạm Thị Su đang khéo léo dệt vải thổ cẩm

Thôn làng Teng có 340 hộ, 1.085 nhân khẩu. Cuộc sống người dân chủ yếu bám vào nương rẫy, ruộng đồng, nhưng vẫn lưu giữ nhiều nét văn hóa của đồng bào mình. Mùa dệt năm nay, những người phụ nữ nơi đây họ thức khuya dậy sớm hơn để dệt ra nhiều thổ cẩm trong dịp Tết đến. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, chị Phạm Thị Su (38 tuổi) thợ dệt ở làng Teng vẫn luôn cần mẫn với nghề truyền thống có từ lâu đời của cha ông để lại. Những tấm vải thổ cẩm đã khéo léo may thành váy, khăn quàng cổ, địu con…. Theo chị Su để dệt một tấm vải mất khoảng 6 ngày, tấm vải đó được cắt ra để may, ráp hay trang trí thành váy, áo, khố, mũ, túi theo kiểu truyền thống. Đấy là cả quá trình rất công phu, tâm huyết.

Cô gái trẻ Phạm Thị Oanh vui vẻ khoe những tấm vải do mình làm ra với hoa văn riêng của làng Teng

Chị Su cho biết thêm, dụng cụ dệt thổ cẩm được ghép lại từ nhiều bộ phận rời nhau, chỉ khi ngồi duỗi chân, đeo dây chằng vào phần lưng mới giữ được khung dệt. Nét thổ cẩm trên bộ trang phục hay vật dụng gia đình sử dụng thể hiện sự khéo léo, tỉ mỉ, tinh tế của người phụ nữ trong gia đình. Các họa tiết thường gắn liền với những hình tượng sinh hoạt cộng đồng người Hrê, gắn liền với cuộc sống thường ngày như cây lá, hoa, con vật, đồ dùng.

“Để dệt nên một tấm thổ cẩm, bên cạnh dùng nguyên liệu, tạo màu, công đoạn làm khung dệt và kỹ thuật dệt đòi hỏi rất công phu, nhưng có lẽ khó nhất vẫn là kỹ thuật dệt. Trước tiên, người dệt phải tạo thế cân bằng rồi kéo thẳng chỉ để dệt. Sau đó, thợ dệt phải cân các hoa văn, họa tiết trên tấm thổ cẩm sao cho hài hòa và đẹp mắt”, chị Su bày tỏ.

Nghề dệt thổ cẩm chủ yếu do ông bà trước đây để lại và có những thời điểm tưởng như bị mai một do ít người quan tâm. Tuy nhiên mấy năm gần đây thông qua các lớp tập huấn, đào tạo nghề ngắn hạn nên đã có nhiều hội viên phụ nữ tham gia, trong đó đã có cả thế hệ trẻ.

Hoa văn thổ cẩm của người đồng bào Hrê ở làng Teng, xã Ba Thành

Chị Phạm Thị Kiều Oanh (21 tuổi) làng Teng chia sẻ, bản thân chị mới biết dệt mấy năm nay thôi, nhưng cũng quen rồi. Ban đầu học thấy khó, nhưng mà đã biết rồi thì thích dệt, ham dệt lắm, nhất là dệt hoa văn có nhiều loại khác nhau. Siêng làm thì hoa văn nào cũng dệt được thôi. Những công đoạn khó hơn như dệt trang phục, những hình vẽ khó, những tấm vải lớn, chị lại cùng đám bạn trong làng tụ tập vừa làm vừa trao đổi vui vẻ, tạo ra một không khí sôi nổi, giúp đẩy nhanh quá trình học. Đến bây giờ, những người già trong làng hiểu biết về nghề dệt cũng hiếm dần nên bản thân chị tự cảm thấy mình phải cố gắng lưu giữ được càng nhiều kiến thức càng tốt thì mới bảo tồn, gìn giữ và truyền dạy cho con cháu đời sau được. Đồng thời, nhờ nghề dệt mình phát triển kinh tế cho gia đình, làm giàu cho quê hương.

“Vui nhất là đến Tết được mặc bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình để du xuân. Mặc dù bây giờ có rất nhiều mẫu quần áo, váy đầm thời trang dành cho giới trẻ, nhưng tôi vẫn thích mặc đồ thổ cẩm, vì nó thoải mái và nhìn có sự khác biệt. Bởi nếu mặc đồ thời trang như bây giờ thì ai cũng như ai, còn đâu là nét đẹp riêng. Bên cạnh đó, tôi còn kêu gọi các bạn trẻ cùng mặc đồ thổ cẩm để giữ gìn nét văn hóa của dân tộc mình”, Oanh bộc bạch.

Theo các già làng, trước đây sản phẩm thổ cẩm của đồng bào Hrê dệt thủ công, nguyên liệu chủ yếu là bông trồng trên rẫy. Cứ đến tháng ba, tiết trời ấm áp, bông nở rộ, người phụ nữ Hrê mang gùi lên rẫy hái bông về phơi khô tách hạt, nhồi mịn, kéo thành sợi, sau đó đem nhuộm thành nhiều màu khác nhau, rồi đưa vào dệt.

Ngày trước, những tấm vải thổ cẩm dệt thủ công xong, rồi mang đi bán ở các chợ truyền thống. Bây giờ, lớp trẻ đưa lên mạng xã hội giới thiệu, quảng bá về thổ cẩm làng mình. Chính sự nắm bắt nhanh nhẹn và thoát ra khỏi những khuôn mẫu truyền thống, mà thổ cẩm Làng Teng còn dùng để may vest nam, đầm dạ hội, kể cả đầm cưới phối thêm ren, lưới với những đường may tinh xảo.

Nghề dệt thổ cẩm ở Làng Teng có từ lâu đời đến nay vẫn còn lưu giữ
nhiều giá trị truyền thống, mang đậm nét đặc trưng văn hóa của người Hrê

Theo bà Phạm Thị Minh Đôi – Chủ tịch UBND xã Ba Thành, nghề dệt thổ cẩm ở làng Teng có từ lâu đời, trải qua bao thăng trầm nhưng làng nghề vẫn giữ nguyên nét văn hóa truyền thống của dân tộc Hrê. Với đôi tay khéo léo của các mẹ, các chị đã tạo nên những sản phẩm độc đáo, đáp ứng nhu cầu của nhiều khách hàng. Bây giờ, vật liệu để dệt thổ cẩm thay bằng chỉ màu, nhưng độ tinh xảo của tấm thổ cẩm vẫn không kém ngày xưa.

“Nhờ giữ gìn nét văn hóa của dân tộc từ các hoa văn, họa tiết và dệt đúng kỹ thuật, nên tấm thổ cẩm của Làng Teng vẫn không kém phần sinh động. Mặc dù bị sản phẩm công nghiệp lấn át, cạnh tranh, có lúc nghề dệt thổ cẩm hoạt động cầm chừng nhưng với quyết tâm nên nghề dệt thổ cẩm ở đây vẫn được chị em gìn giữ và ngày càng phát huy thế mạnh. Đến nay, làng Teng có khoảng 50 hộ Hrê làm nghề dệt thổ cẩm”, bà Đôi cho hay.

Cứ mỗi độ xuân về, hay dịp lễ, Tết, đồng bào làng Teng và các địa phương ở huyện Ba Tơ đều diện bộ đồ thổ cẩm để dự lễ, vui xuân. Khách du lịch gần xa ưa thích sản phẩm thổ cẩm Làng Teng cũng xuất phát từ những họa tiết gắn liền với thiên nhiên, núi rừng Ba Tơ. Mỗi sản phẩm thổ cẩm Làng Teng đều thể hiện sự thông minh, sáng tạo, thẩm mỹ của đồng bào. Nhờ đó, sản phẩm thổ cẩm Làng Teng luôn trường tồn theo thời gian.

Như Đồng

TIN LIÊN QUAN
  • Cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII được tổ chức từ ngày 26/02/2024 đến hết ngày 17/3/2024

Quảng Ngãi: Lan tỏa yêu thương từ chương trình “Mẹ đỡ đầu” | PTQ

Đang truy cập: 207

Tổng số lượt xem: 693120

Bản quyền © thuộc về: Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi

Người chịu trách nhiệm: Bà Lê Na - Địa chỉ: 279 Quang Trung - Tp. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi

Điện thoại: 055.3826973 - Fax: 055.3826973 - Email: hoiphunutinh@quangngai.gov.vn